BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi đi khám bệnh trong mùa dịch COVID-19 cần lưu ý gì?

người cao tuổi khám bệnh mùa covid

 

 

Các chuyên gia trong nước và thế giới nhận định, người già sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao hơn nếu chẳng may mắc COVID-19. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe người lớn tuổi trong đại dịch này? BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giải đáp tất cả các thắc mắc này.

 

1. Các con số thông kê cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do SARS-CoV-2 cao nhất là ở nhóm người cao tuổi. Vì sao người cao tuổi dễ bị lây và tử vong bởi COVID-19, thưa bác sĩ

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi thường có thể trạng và sức khỏe kém hơn người trẻ tuổi, có nhiều bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)… Với hệ miễn dịch vốn dĩ đã giảm sút ở tuổi già, khi nhiễm virus đường hô hấp, các bệnh nền của người già thường có cơ hội bộc phát, trở nặng hơn và virus dễ dàng tấn công gây viêm phổi nặng hơn tạo thành vòng xoắn bệnh lý.

2. Người cao tuổi ở nước ta thường có những bệnh nền nào? Trong đó, bệnh nào là nguy hiểm nhất nếu virus SARS-CoV-2 tấn công?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi ở nước ta thường có các bệnh nền như bệnh về đường hô hấp COPD, hen suyễn, Bệnh suy giảm miễn dịch như bệnh tự miễn, bệnh về thận, cơ xương khớp, bệnh tim mạch như suy tim… Trong đó, nguy hiểm nhất là bệnh suy giảm miễn dịch, rồi đến suy tim, COPD, hen suyễn.

3. Dịch COVID-19 đang diễn ra, nhưng nếu người cao tuổi bị hết thuốc huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… thì có nên đến bệnh viện tái khám lấy thuốc hay không, hay có thể đưa toa thuốc cũ nhờ con cháu đi mua, để tránh việc phải đến nơi đông người?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi nên tái khám đúng hẹn của bác sĩ, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt thì người bệnh có thể gọi trực tiếp xin ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị cho người bệnh. Lưu ý, người cao tuổi không nên tự đi mua thuốc một mình.

 

 

4. Hiện tại, nhiều người có tâm lý e ngại đến bệnh viện vì sợ gặp phải nguồn lây virus SARS-CoV-2. Xin BS cho biết, tại BV Nhân dân 115, 2 khoa Khám bệnh và Khám điều trị theo yêu cầu đã có bố trí như thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân đến khám chữa bệnh?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Khoa hiện thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ định của giám đốc bệnh viện:

- Tất cả người bệnh, thân nhân của người và nhân vào Khoa Khám bệnh đều qua một cửa chính được tầm soát nhiệt độ, sàng lọc dịch tễ theo quy định.

- Quy trình cách ly, phòng ngừa, rửa tay, đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, khử trùng.

- Hướng lưu thông một chiều, tắt tất cả máy lạnh, mở tất cả cửa sổ, thông gió và để nắng chiếu vào các phòng khám.

- Trước mỗi phòng khám đều trang bị một chai dung dịch sát khuẩn tay nhanh phục vụ người bệnh, thân nhân người bệnh.

- Thực hiện phun thuốc khử trùng toàn bộ Khoa Khám bệnh vào cuối ngày.

- Dán băng rôn, khẩu hiệu, thông tin về công tác phòng dịch tại các vị trí dễ quan sát, kể cả trên màn hình treo ở mỗi tầng.

5. Riêng với người cao tuổi, nếu nhất thiết phải đến bệnh viện để khám chữa bệnh trong mùa dịch COVID-19 này thì họ cần lưu ý/chuẩn bị thế nào để đảm bảo an toàn ạ? Nên đi bằng phương tiện gì, nên trang bị cho bản thân như thế nào thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Với người cao tuổi, nếu nhất thiết phải đến bệnh viện để khám, chữa bệnh trong mùa dịch COVID-19 này thì tốt nhất là đi bằng phương tiện cá nhân. Nếu đi các phương tiện công cộng thì phải đeo khẩu trang đúng kỹ thuật, che kín mũi miệng, không sờ tay vào khẩu trang.

Bên cạnh đó, nên đi tái khám vào buổi chiều để tránh tiếp xúc đông người, tránh thời gian chờ đợi.

6. Hiện tại, nếu người cao tuổi trong nhà có biểu hiện: sốt, ho, hắt xì, sổ mũi… thì người thân nên làm gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Nếu người lớn tuổi có các triệu chứng kể trên như sốt, ho, hắt xì, sổ mũi và có thêm yếu tố dịch tễ đi tới vùng dịch hay nghi ngờ có người nhiễm bệnh thì nên khai báo cho Bộ Y tế theo cổng thông tin điện tử hoặc gọi đến hotline 1900 9095 hoặc 1900 3228 để được tư vấn, hướng dẫn.

Đối với người thân thì cũng phải khai báo vì khi có triệu chứng tức là đã ủ bệnh khoảng 1 tuần. Nếu bệnh nhân chỉ có triệu chứng mà không lui tới vùng có dịch thì chỉ cần tăng cường sức khỏe, tập thể dục, uống vitamin C hay nước cam. Ngoài ra, nên phơi nắng buổi sáng, tránh nơi ẩm thấp, thông gió trong nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác.

 

 

7. Xin BS cho biết, có những thuốc không kê toa nào mà gia đình có người cao tuổi nên mua để sẵn trong nhà không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Tủ thuốc trong gia đình có người lớn tuổi cần có các loại thuốc hạ sốt như panadol, thuốc tăng cường sức đề kháng như vitamin C, thuốc long đàm Axomuc… Ngoài ra, cũng có thể mua sẵn các thuốc khác như vitamin, thuốc bổ, canxi, các loại thực phẩm chức năng cho người già như glucosamine…

8. Nhiều người cao tuổi có thói quen đi tập thể dục tại công viên, đi chùa, đi lễ nhà thờ… theo BS thời điểm hiện tại những hoạt động này nên tiến hành như thế nào?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi nên tránh những nơi đông người nếu không thực sự cần thiết. Đồng thời, cần tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách và giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người đối diện.

9. Người cao tuổi cũng là nhóm người có tâm lý bất ổn trong mùa dịch này. Theo BS, chúng ta cần làm gì để các cụ bớt lo lắng? Gia đình có người cao tuổi nên có hành động gì để bảo vệ sức khỏe cho họ?

BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên: Người cao tuổi nên ở nhà, sinh hoạt với gia đình, tập thể dục. Nhưng lưu ý là đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay thường xuyên và tập thể dục buổi sáng tốt hơn buổi chiều.

Theo tôi, hiện nay, Chính phủ đang kiểm soát dịch tốt, đặc biệt là kết quả điều trị các ca nhiễm tại Việt Nam cho kết quả tốt, chưa có trường hợp nào tử vong. Do đó, chúng ta nên tin tưởng vào đường lối lãnh đạo và quyết tâm chống dịch của Chính phủ và sự đoàn kết của toàn dân.

Ngoài ra, gia đình có người cao tuổi và có các thế hệ trẻ vẫn đang đi làm thì nên hạn chế tiếp xúc với nhau.

Trân trọng cảm ơn BS.CK2 Nguyễn Quang Khiên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi biết cách bảo vệ bản thân cũng như người thân trong đại dịch COVID-19.